Những ngày này, nhiều nhân viên Saigon Co.op miệt mài ngồi phân loại, xếp giấy báo, lịch cũ, tạp chí khổ lớn... đã thu gom được, để tạo ra những chiếc túi đi chợ bằng giấy, cung cấp cho khách đi siêu thị. Hoạt động này, theo lãnh đạo Saigon Co.op, nhằm hưởng ứng Giờ Trái đất 27/3, Ngày Trái đất 22/4 và Ngày môi trường thế giới 5/6.
"Thông qua hoạt động quyên góp, phân loại và xếp túi giấy, nhằm khuyến khích người dân dùng túi giấy, làm sạch môi trường", đại diện Saigon Co.op cho biết. Theo đó, mỗi thông điệp “vì môi trường xanh” được đính kèm trên túi giấy là một hành động thiết thực hưởng ứng chủ trương hạn chế dùng túi ny lông, góp phần bảo vệ môi trường.
Thay vì đựng hàng trong những túi ny lông ngay tại quầy tính tiền, nhân viên thu ngân siêu thị Saigon Co.op sẽ sử dụng túi giấy được xếp sẵn. Khách đi siêu thị có thể nhận và dùng túi giấy, thùng giấy miễn phí khi mua hàng tại đây.
Những nỗ lực của Saigon Co.op năm nay được xem như cuộc cách mạng trong việc cải tiến túi đi chợ, tiến đến loại bỏ hoàn toàn việc dùng túi ny lông. Vài năm nay, một số siêu thị khác như Big C, Citimart, cũng sử dụng song song 2 loại túi đựng hàng: túi ny lông và túi tự hủy; nhưng nhìn chung khách vẫn chuộng dùng túi ny lông hơn vì sự tiện lợi. Đặc biệt Metro, Big C cung cấp túi dùng nhiều lần bằng cách bán cho khách hàng (ít nhất 6.000 đồng một cái) nên không ít khách đi siêu thị ngại bỏ tiền ra mua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa cho biết, trong hai năm qua, đơn vị này đều sử dụng loại túi ny lông tự phân hủy thay thế túi ni lông khó hủy trước đây. "Tuy nhiên, loại túi tự phân hủy này có thực sự đảm bảo cho môi trường không thì không thể biết", bà Thảo nói.
Còn bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C thì cho rằng, siêu thị có loại túi tự hủy và túi ni lông sử dụng nhiều lần. Siêu thị cũng đang trong quá trình tìm hiểu nguồn thay thế túi ny lông khó hủy, nhưng phải dựa trên 3 tiêu chí: không ô nhiễm môi trường, đảm bảo giá thành thấp và có đủ nguồn cung trên thị trường.
|
Co.opMart thực hiện chương trình tuần lễ xếp túi giấy, chuẩn bị cho ngày 27/3 không dùng túi ny lông để đựng hàng. Ảnh: N C |
Dùng túi ny lông từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều bà nội trợ. Mua một kg đường, một mớ rau hay bất kể một thứ gì, cũng đều được bỏ vào túi ny lông, ít ai nghĩ đến việc dùng túi giấy hay một loại bao bì dễ phân hủy thay thế. Song các bà nội trợ có nhiều cách giải thích khác nhau về thói quen xài túi ny lông.
Chị Thanh Mai, quận Bình Thạnh bộc bạch, biết dùng túi ny lông độc hại, lại gây ô nhiễm môi trường nhưng được cái tiện. "Cá, thịt, rau... không thể đựng trong túi giấy, trong khi tôi lại rất lười mang theo giỏ xách mỗi khi đi chợ", chị Mai cho biết. Trong khi chị Kim ở quận 1 thì cho rằng, túi giấy hiện nay cũng có nhiều kiểu dáng đẹp, quai túi phù hợp cho việc treo, xách... nhưng chỉ thích hợp khi mua sắm quần áo, giầy dép.
Chị Quỳnh Như, nhà ở Bình Thạnh thì cho rằng, việc dùng túi ny lông hay túi giấy khi đi mua sắm đôi khi không thể do bản thân quyết định được, vì còn xuất phát từ phía người bán hàng. "Mỗi lần đi mua hàng, người bán đều chứa trong túi ny lông mà không đưa túi giấy nên mình đâu có lựa chọn nào khác. Như vậy, thói quen sử dụng túi giấy còn phụ thuộc người bán sản phẩm", chị Như ý kiến.
Theo chị Như, nếu các hệ thống siêu thị đồng loạt dùng túi giấy thay thế túi ny lông để đựng hàng thì sẽ tác động lớn đến thói quen của người mua sắm. "Nhưng cái khó có thể là giá giấy vẫn còn đắt, hoặc vì ngành tái chế giấy chưa thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam", chị Như nói.
Chị Liên, một khách hàng tại Co.op Mart chia sẻ, để hạn chế tối đa việc sử dụng túi ny lông, bản thân mỗi người dân, nhất là các bà nội trợ khi đi chợ hay siêu thị điều đầu tiên nên nghĩ tới là tự mang theo túi đựng, hoặc mua loại túi dùng lâu dài. "Các siêu thị cũng nên duy trì dùng túi giấy lâu dài chứ không nên chỉ trong dịp hưởng ứng Giờ Trái đất", chị Liên nói.
Bà Thanh, một công chức về hưu, nhà ở quận 6 cho rằng, ngày xưa khi chưa có sự xuất hiện ồ ạt của túi ny lông như bây giờ, thì các bà nội trợ đi chợ thường mang theo làn, hoặc túi lưới, túi vải, chắc chắn, sử dụng nhiều lần. Thói quen dùng túi ly lông, từ bỏ giỏ đi chợ, của quý bà chỉ hình thành những năm gần đây khi loại túi khó phân hủy này trở nên thông dụng.
Ra nước ngoài, bà Thanh thấy siêu thị của một số nước không cung cấp túi ny lông, trừ khi phải đựng hàng tươi sống và có dính nước. Nếu có người nào nhỡ không đem túi để đựng đồ thì phải mua túi từ cửa hàng với giá rất đắt.
“Nhà nước cũng nên khuyến khích các nhà sản xuất làm túi ny lông tự hủy, không làm hại đến môi trường, bằng các chính sách thuế phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường việc tuyên truyền vận động người mua và người bán hàng hạn chế tối đa dùng túi ny lông, chuyển sang sử dụng các bao bì dễ phân hủy và tái chế như túi giấy”, bà Thanh nói.
Lệ Thanh